Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã ra quyết định cho nhân viên được làm việc tại nhà. Thế nhưng, khi làm việc tại nhà không đúng tư thế và không có lối sinh hoạt điều độ sẽ dễ dẫn đến tình trạng người trẻ bị vôi hóa cột sống. Vậy căn bệnh này là gì? Vôi hóa cột sống có những nguy hại gì và cách điều trị như thế nào? Bài viết sau đây sẽ là câu trả lời dành cho bạn.
Vôi hóa cột sống là bệnh gì?
Chúng ta có thể thấy xương, đĩa đệm, dây thần kinh là những gì có trên cột sống. Thông thường, đối với một người trưởng thành khỏe mạnh thì các khớp xương di chuyển rất linh hoạt.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu các khớp xương có dấu hiệu bắt đầu bị xô lệch vị trí, bị thoái hóa, qua thời gian sẽ hình thành gai cột sống. Phần gai xương này sẽ gây ra các hạn chế trong việc cử động của các đốt xương. Đây được gọi là tình trạng vôi hóa xương khớp.
Nguyên nhân khiến giới trẻ dễ bị vôi hóa cột sống khi làm việc tại nhà
Nguyên nhân gây ra vôi hóa cột sống thường đến từ những chấn thương, viêm sưng khớp, thoái hóa cột sống. Hoặc đối với những người làm các công việc đặc thù và phải ngồi quá nhiều (tài xế, nhân viên văn phòng…) sẽ là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Trước kia, bệnh vôi hóa xương khớp chỉ thường gặp ở người trung niên, người lớn tuổi. Thế nhưng, hiện nay ngày càng nhiều bạn trẻ trong độ tuổi 20 – 30 mắc phải căn bệnh này.
Đối với tình trạng làm việc tại nhà do cách ly dịch bệnh như hiện nay, vôi hóa xương khớp trở thành căn bệnh tiềm ẩn của nhiều đối tượng, đặc biệt là người trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn trẻ không tập thể dục thường xuyên, hay có tư thế ngồi không đúng cách, dần dần các đốt sống bị lệch, cột sống xấu đi và hình thành viêm khớp dẫn đến vôi hóa cột sống.
Hậu quả khôn lường khi người trẻ lơ là trước bệnh vôi hóa cột sống
Bệnh vôi hóa cột sống sẽ không có các biểu hiện cụ thể như các bệnh lý khác. Nhiều bệnh nhân khi đến chụp X-quang mới biết bản thân đã bị vôi hóa cột sống ở giai đoạn cuối. Vì thế, vôi hóa cột sống là một căn bệnh mà các bạn trẻ không thể ngó lơ.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán từ giai đoạn đầu của bệnh, khi các đốt sống chưa xuất hiện thành gai xương gây chèn ép dây thần kinh, bác sĩ có thể ngăn chặn tiến trình phát triển bệnh bằng các phương pháp trị liệu và giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Ngược lại, nếu bệnh đã tiến triển nặng đến mức độ gai xương hình thành chèn vào dây thần kinh, khi ấy có thể bệnh nhân sẽ phải gánh chịu những hậu quả vĩnh viễn.
Ngoài ra, quá trình vôi hóa xương khớp diễn ra sẽ làm giảm sự linh hoạt của cử động xương, khiến bệnh nhân càng khó khăn hơn trong việc đi lại và vận động.
Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn:hellobacsi.com